Nghị định số 38/2014/NĐ-CP của Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 06 tháng 5 năm 2014 về Quản lý hóa chất thuộc diện kiếm soát của Công ước cấm phát triển, sản xuất, tàng trữ, sử dụng và phá hủy vũ khí hóa học.
CHÍNH PHỦ
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 38/2014/NĐ-CP
|
Hà Nội, ngày 06
tháng 05 năm 2014
|
NGHỊ ĐỊNH
VỀ QUẢN LÝ HÓA CHẤT THUỘC DIỆN KIỂM SOÁT CỦA CÔNG ƯỚC CẤM PHÁT TRIỂN,
SẢN XUẤT, TÀNG TRỮ, SỬ DỤNG VÀ PHÁ HỦY VŨ KHÍ HÓA HỌC
Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày
25 tháng 12 năm 2001;
Căn cứ Luật Hóa chất ngày 21 tháng
11 năm 2007;
Căn cứ Quyết định số 167 HĐ/CTN
ngày 24 tháng 8 năm 1998 của Chủ tịch nước về việc phê chuẩn Công ước cấm phát
triển, sản xuất, tàng trữ, sử dụng và phá hủy vũ khí hóa học;
Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Công
Thương,
Chính phủ ban hành Nghị định về
quản lý hóa chất thuộc diện kiểm soát của Công ước cấm phát triển, sản xuất,
tàng trữ, sử dụng và phá hủy vũ khí hóa học.
Chương 1.
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi
điều chỉnh
Nghị định này quy định về các hoạt
động sản xuất, kinh doanh, chế biến, tiêu dùng, cất giữ và xuất khẩu, nhập khẩu
các hóa chất được Công ước Cấm phát triển, sản xuất, tàng trữ, sử dụng và phá
hủy vũ khí hóa học (sau đây gọi tắt là Công ước Cấm vũ khí hóa học) kiểm soát
tại lãnh thổ của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Điều 2. Đối tượng
áp dụng
Nghị định này áp dụng đối với tổ
chức, cá nhân liên quan đến các hoạt động sản xuất, kinh doanh, chế biến, tiêu
dùng, cất giữ và xuất khẩu, nhập khẩu các hóa chất thuộc diện kiểm soát của
Công ước Cấm vũ khí hóa học.
Điều 3. Áp dụng
pháp luật
1. Các hoạt động liên quan đến hóa
chất thuộc diện kiểm soát của Công ước Cấm vũ khí hóa học phải tuân theo quy
định của Nghị định này và các quy định khác của pháp luật có liên quan.
2. Trường hợp Nghị định này chưa quy
định hoặc quy định khác với Công ước Cấm vũ khí hóa học thì thực hiện theo Công
ước Cấm vũ khí hóa học.
Điều 4. Giải
thích từ ngữ
Trong Nghị định này, các từ ngữ dưới
đây được hiểu như sau:
1. Hóa chất độc là bất kỳ hóa chất
nào thông qua tác động hóa học của nó lên quá trình sống của con người hoặc
động vật có thể gây tử vong, tê liệt tạm thời hoặc lâu dài gây ngộ độc cấp tính
hoặc mãn tính, gây hủy hoại môi trường, môi sinh. Cụm từ này được áp dụng cho
tất cả các loại hóa chất có đặc tính này, không phân biệt nguồn gốc, phương
pháp sản xuất và cơ sở sản xuất.
2. Tiền chất là hóa chất được sử dụng
trong bất kỳ một công đoạn nào của một quá trình công nghệ khi phản ứng với hóa
chất khác có thể tạo thành một hóa chất độc và có vai trò quyết định nhất về
mặt độc tính của hóa chất độc đó.
3. Hóa chất Bảng là hóa chất độc và
tiền chất bị kiểm soát theo quy định của Công ước Cấm vũ khí hóa học và được
phân loại thành hóa chất Bảng 1, hóa chất Bảng 2 (bao gồm cả hóa chất 2A*; 2A
và 2B) và hóa chất Bảng 3 theo mức độ độc tính giảm dần.
4. Chất chống bạo loạn là hóa chất
không phải hóa chất Bảng nhưng có thể gây ra kích ứng nhanh có hại hoặc làm ảnh
hưởng đến khả năng hoạt động nào đó của con người. Các tác động này sẽ hết sau
một thời gian ngắn khi con người ngừng tiếp xúc với hóa chất.
5. Hóa chất khác là hóa chất không
phải hóa chất Bảng được phân thành hóa chất DOC và hóa chất DOC-PSF, trong đó:
a) Hóa chất DOC là hóa chất hữu cơ
riêng biệt, bao gồm tất cả các hợp chất có chứa cacbon, ngoại trừ các ôxit,
sunfua của nó và các cacbonat kim loại;
b) Hóa chất DOC-PSF là hóa chất hữu
cơ riêng biệt có chứa một trong các nguyên tố như phốt pho, lưu huỳnh hoặc flo.
6. Sản xuất hóa chất là việc tạo ra
một hóa chất thông qua phản ứng hóa học.
7. Chế biến hóa chất là việc thực
hiện một quá trình lý học như pha chế, chưng cất, chiết xuất, tinh chế hóa chất.
Sau quá trình chế biến, hóa chất không bị biến đổi thành hóa chất khác.
8. Tiêu dùng hóa chất là việc chuyển
hóa một hóa chất thành một hóa chất khác thông qua một phản ứng hóa học hoặc sự
hiện diện của hóa chất này là cần thiết trong quy trình tạo ra một hóa chất
khác.
9. Cất giữ hóa chất là việc lưu giữ,
bảo quản hóa chất chưa sử dụng hoặc sử dụng chưa hết trong kho chứa, thùng
chứa, bồn chứa chuyên dụng tại cơ sở hóa chất.
10. Cơ sở hóa chất là nơi diễn ra một
hay nhiều các hoạt động sản xuất kinh doanh, chế biến, tiêu dùng, cất giữ và
xuất khẩu, nhập khẩu hóa chất chịu sự kiểm soát của Công ước Cấm vũ khí hóa
học. Cơ sở hóa chất được phân thành cơ sở hóa chất Bảng 1, hóa chất Bảng 2, hóa
chất Bảng 3, cơ sở hóa chất DOC, DOC-PSF, trong đó:
a) Cơ sở hóa chất Bảng 1, hóa chất
Bảng 2, hóa chất Bảng 3 là nơi diễn ra một hay nhiều các hoạt động sản xuất,
kinh doanh, chế biến, tiêu dùng, cất giữ và xuất khẩu, nhập khẩu hóa chất Bảng
1, hóa chất Bảng 2, hóa chất Bảng 3;
b) Cơ sở hóa chất DOC, DOC-PSF là nơi
diễn ra hoạt động sản xuất hóa chất DOC, DOC-PSF.
11. Sản lượng là khối lượng sản phẩm
thực tế đã sản xuất, chế biến, tiêu dùng hoặc dự kiến sản xuất, chế biến, tiêu
dùng trong năm nào đó của một cơ sở hóa chất đối với một hóa chất cụ thể. Sản
lượng có thể bằng hoặc vượt công suất sản xuất, chế biến, tiêu dùng của cơ sở
đối với hóa chất đó.
12. Kiểm chứng số liệu là việc Tổ
chức Cấm vũ khí hóa học hoặc Cơ quan Quốc gia Việt Nam kiểm tra, xem xét, đối
chiếu số liệu đầu tư cơ sở hóa chất, sản xuất, kinh doanh, chế biến, tiêu dùng,
môi giới và xuất khẩu, nhập khẩu các hóa chất Bảng của các tổ chức, cá nhân
được cấp phép, đã khai báo nhằm mục đích tái xác nhận sự phù hợp của các số
liệu đã khai báo hoặc phát hiện các sai sót phải điều chỉnh để bảo đảm sự minh
bạch, chính xác và trung thực của việc khai báo.
13. Thanh sát là cuộc kiểm tra tại
chỗ do Tổ chức cấm vũ khí hóa học tiến hành tại một cơ sở hóa chất thuộc diện
bị thanh sát đã được quốc gia thành viên khai báo với Tổ chức Cấm vũ khí hóa
học nhằm xác nhận sự phù hợp của thông tin đã khai báo và chứng nhận việc tuân
thủ các quy định của Công ước tại cơ sở hóa chất, trong đó:
a) Thanh sát ban đầu là cuộc thanh
sát đầu tiên của Tổ chức Cấm vũ khí hóa học đối với một cơ sở hóa chất bất kỳ
thuộc diện bị thanh sát;
b) Thanh sát lại là cuộc thanh sát
sau cuộc thanh sát ban đầu đối với một cơ sở hóa chất Bảng hoặc cơ sở DOC,
DOC-PSF do Tổ chức Cấm vũ khí hóa học tiến hành để tái kiểm tra sự phù hợp của
khai báo mà quốc gia thành viên đã nộp cho Tổ chức Cấm vũ khí hóa học;
c) Thanh sát có hệ thống là cuộc
thanh sát sau cuộc thanh sát ban đầu được tiến hành định kỳ tại một cơ sở hóa
chất Bảng 1 hoặc cơ sở hóa chất Bảng 2 theo một thỏa thuận riêng về cơ sở đó
nhằm mục đích kiểm tra và tái xác nhận sự phù hợp của khai báo mà quốc gia
thành viên đã đệ trình với Tổ chức Cấm vũ khí hóa học;
d) Thanh sát đột xuất là cuộc thanh
sát đối với một cơ sở hóa chất bất kỳ nằm trên lãnh thổ hoặc bất cứ nơi nào
thuộc quyền tài phán của một quốc gia thành viên vào bất kỳ thời điểm nào nhằm
mục đích làm sáng tỏ các cáo buộc về việc không tuân thủ Công ước Cấm vũ khí
hóa học tại cơ sở hóa chất.
14. Thỏa thuận cơ sở là thỏa thuận
được ký kết giữa quốc gia thành viên với Tổ chức Cấm vũ khí hóa học liên quan
đến việc thanh sát một cơ sở hóa chất cụ thể thuộc diện bị thanh sát. Thỏa
thuận cơ sở được dự thảo trong thời gian diễn ra cuộc thanh sát ban đầu và
thường được lập cho các cơ sở hóa chất Bảng 1, hóa chất Bảng 2.
15. Tổ chức Cấm vũ khí hóa học là tổ
chức do các quốc gia thành viên Công ước Cấm vũ khí hóa học thành lập nhằm thực
hiện các mục đích và mục tiêu của Công ước thông qua việc bảo đảm tuân thủ các
điều khoản của Công ước.
16. Quốc gia thành viên Công ước Cấm
vũ khí hóa học là quốc gia đã ký và phê chuẩn hoặc gia nhập Công ước Cấm vũ khí
hóa học và chính thức trở thành thành viên Công ước sau ngày thứ 30 kể từ ngày
nộp lưu chiểu phê chuẩn hoặc thông báo về việc gia nhập Công ước cho Tổng thư
ký Liên hợp quốc.
17. Cơ quan Quốc gia Việt Nam về thực
hiện Công ước Cấm vũ khí hóa học (sau đây gọi tắt là Cơ quan Quốc gia Việt Nam)
là tổ chức liên ngành do Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập.
18. Đội hộ tống là nhóm chuyên gia do
Cơ quan Quốc gia Việt Nam cử ra để phối hợp làm việc với Đội thanh sát của Tổ
chức Cấm vũ khí hóa học trong quá trình Đội thanh sát tiến hành hoạt động thanh
sát tại Việt Nam.
19. Bản sao là bản có chứng thực hoặc
đóng dấu xác nhận của tổ chức, cá nhân (đối với trường hợp nộp hồ sơ qua đường
bưu điện), bản chụp kèm theo bản chính để đối chiếu (đối với trường hợp nộp hồ
sơ trực tiếp), bản scan từ bản gốc (đối với trường hợp nộp hồ sơ qua mạng điện
tử).
Điều 5. Hình thức
và mục đích hoạt động của cơ sở hóa chất Bảng 1
Cơ sở hóa chất Bảng 1 gồm: Cơ sở quy
mô đơn lẻ và Cơ sở khác.
1. Cơ sở quy mô đơn lẻ
Cơ sở quy mô đơn lẻ phục vụ cho mục
đích nghiên cứu, y tế, dược phẩm hoặc bảo vệ. Việc sản xuất tại cơ sở quy mô
đơn lẻ được thực hiện trong các thiết bị phản ứng không liên tục. Dung tích của
các thiết bị phản ứng không vượt quá 100 lít và tổng dung tích của các thiết bị
phản ứng có dung tích trên 5 lít không vượt quá 500 lít.
2. Cơ sở khác gồm
a) Cơ sở sản xuất hóa chất Bảng 1 cho
mục đích bảo vệ với tổng sản lượng không vượt quá 10 kg/năm;
b) Cơ sở sản xuất hóa chất Bảng 1 cho
mục đích nghiên cứu, y tế hoặc dược phẩm với sản lượng trên 100 gam/năm đối với
một hóa chất nhưng tổng sản lượng không vượt quá 10 kg/năm;
c) Phòng thí nghiệm điều chế tổng hợp
hóa chất Bảng 1 cho mục đích nghiên cứu, y tế, dược phẩm với tổng sản lượng
dưới 100 gam/năm.
Điều 6. Vũ khí
hóa học
Vũ khí hóa học bao gồm một, hai hoặc
tất cả các loại sau:
1. Các hóa chất độc và tiền chất của
chúng, trừ trường hợp được sử dụng cho những mục đích không bị Công ước Cấm vũ
khí hóa học cấm với số lượng và chủng loại phù hợp với các mục đích đó.
2. Đạn dược và trang thiết bị được
thiết kế đặc biệt để sử dụng các độc tính của các hóa chất độc và tiền chất quy
định tại Khoản 1 Điều này nhằm gây tử vong hoặc các tác hại khác.
3. Bất kỳ loại trang thiết bị nào
được thiết kế đặc biệt để dùng trực tiếp các loại đạn dược và thiết bị quy định
tại Khoản 2 Điều này.
Điều 7. Danh mục
hóa chất Bảng
Ban hành kèm theo Nghị định này Danh
mục các hóa chất Bảng 1, hóa chất Bảng 2 và hóa chất Bảng 3. Theo yêu cầu quản
lý trong từng thời kỳ và để phù hợp với Công ước Cấm vũ khí hóa học, Bộ Công
Thương chủ trì, phối hợp với các Bộ quản lý ngành, lĩnh vực xem xét, trình
Chính phủ sửa đổi, bổ sung Danh mục các hóa chất Bảng 1, hóa chất Bảng 2 và hóa
chất Bảng 3.
Điều 8. Các hành
vi bị cấm và các mục đích không bị cấm theo Công ước Cấm vũ khí hóa học
1. Các hành vi bị cấm
a) Phát triển, sản xuất, sở hữu, tàng
trữ và sử dụng vũ khí hóa học; xuất khẩu, nhập khẩu vũ khí hóa học trực tiếp
hay gián tiếp với mọi tổ chức, cá nhân; tham gia vào bất cứ hoạt động chuẩn bị
quân sự nào có sử dụng vũ khí hóa học; hỗ trợ, khuyến khích hoặc xúi giục mọi
tổ chức, cá nhân dưới bất kỳ hình thức nào hoặc tham gia vào bất kỳ hoạt động
nào bị Công ước Cấm vũ khí hóa học cấm; sử dụng chất chống bạo loạn như là
phương tiện chiến tranh;
b) Hoạt động sản xuất, chế biến, tiêu
dùng, tàng trữ, kinh doanh và xuất khẩu, nhập khẩu hóa chất Bảng 1, trừ trường
hợp được phép của cơ quan có thẩm quyền cho những mục đích đặc biệt như nghiên
cứu, y tế, dược phẩm hoặc bảo vệ; xuất khẩu, nhập khẩu hóa chất Bảng 1 với mọi
tổ chức, cá nhân của quốc gia không phải là thành viên Công ước Cấm vũ khí hóa
học; tái xuất khẩu hoặc tái nhập khẩu hóa chất Bảng 1 với mọi tổ chức, cá nhân
của quốc gia thứ ba;
c) Hoạt động sản xuất, chế biến, tiêu
dùng, tàng trữ, kinh doanh và xuất khẩu, nhập khẩu hóa chất Bảng 2, trừ trường
hợp được chấp thuận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho các mục đích không
bị Công ước Cấm vũ khí hóa học cấm; xuất khẩu, nhập khẩu hóa chất Bảng 2 với
mọi tổ chức, cá nhân của quốc gia không phải là thành viên Công ước;
d) Hoạt động sản xuất, chế biến, tiêu
dùng, tàng trữ, kinh doanh và xuất khẩu, nhập khẩu hóa chất Bảng 3, trừ trường
hợp được chấp thuận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho các mục đích không
bị Công ước Cấm vũ khí hóa học cấm; xuất khẩu hóa chất Bảng 3 với mọi tổ chức,
cá nhân của quốc gia không phải là thành viên Công ước Cấm vũ khí hóa học mà
không có giấy chứng nhận sử dụng cuối cùng của cơ quan nhà nước có thẩm quyền
của quốc gia này;
đ) Sản xuất hóa chất DOC, DOC-PSF,
trừ trường hợp cho các mục đích không bị Công ước Cấm vũ khí hóa học cấm.
2. Các mục đích không bị cấm
a) Phát triển công nghiệp, nông
nghiệp, nghiên cứu, y tế, dược phẩm và các mục đích hòa bình khác;
b) Bảo vệ liên quan trực tiếp đến
việc phòng, chống hóa chất độc và vũ khí hóa học;
c) Hoạt động quốc phòng, an ninh
không gắn với việc sử dụng vũ khí hóa học và không sử dụng độc tính của hóa
chất như là phương tiện chiến tranh;
d) Cưỡng chế thi hành luật, kể cả
chống bạo loạn trong nước.
Điều 9. Chức
năng, nhiệm vụ của Cơ quan Quốc gia Việt Nam
1. Chức năng, nhiệm vụ của Cơ quan
Quốc gia Việt Nam
a) Tham mưu, tư vấn cho Chính phủ và
Thủ tướng Chính phủ trong việc thực hiện Công ước Cấm vũ khí hóa học;
b) Đảm bảo sự phối hợp đồng bộ, chặt
chẽ và có hiệu quả giữa các Bộ, ngành và cơ quan hữu quan trong việc thực hiện
Công ước Cấm vũ khí hóa học;
c) Theo dõi, kiểm tra đảm bảo việc
tuân thủ Công ước Cấm vũ khí hóa học;
d) Đầu mối quan hệ công tác giữa Việt
Nam với Tổ chức Cấm vũ khí hóa học.
2. Cơ quan thường trực của Cơ quan
Quốc gia Việt Nam
Bộ Công Thương là cơ quan đại diện,
thường trực thay mặt Cơ quan Quốc gia Việt Nam giải quyết các công việc liên
quan đến Công ước Cấm vũ khí hóa học.
Điều 10. Trách
nhiệm quản lý nhà nước trong việc thực hiện Công ước Cấm vũ khí hóa học
1. Chính phủ thống nhất quản lý việc
thực hiện Công ước Cấm vũ khí hóa học trong phạm vi cả nước.
2. Bộ Công Thương chịu trách nhiệm
trước Chính phủ quản lý nhà nước về thực hiện Công ước Cấm vũ khí hóa học.
Trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, Bộ Công Thương thực hiện các nội
dung sau:
a) Ban hành theo thẩm quyền hoặc
trình Chính phủ ban hành các văn bản quy phạm pháp luật thực hiện Công ước Cấm
vũ khí hóa học;
b) Cấp, đình chỉ, thu hồi theo thẩm
quyền Giấy phép sản xuất, chế biến, tiêu dùng, tàng trữ, kinh doanh và xuất
khẩu, nhập khẩu hóa chất thuộc diện kiểm soát của Công ước Cấm vũ khí hóa học;
c) Quản lý việc sản xuất, chế biến,
tiêu dùng, tàng trữ, kinh doanh và xuất khẩu, nhập khẩu hóa chất thuộc diện
kiểm soát của Công ước Cấm vũ khí hóa học; thực hiện việc thanh tra, kiểm tra
các hoạt động này tại các cơ sở hóa chất thuộc phạm vi quản lý của mình;
d) Tổ chức tuyên truyền, phổ biến
Công ước Cấm vũ khí hóa học và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan;
đ) Chủ trì thực hiện hợp tác quốc tế
trong khuôn khổ của Công ước Cấm vũ khí hóa học.
3. Trách nhiệm của các Bộ, ngành có
liên quan
a) Bộ Tài chính theo định kỳ 06 tháng
và hàng năm chịu trách nhiệm thống kê, tổng hợp số liệu nhập khẩu, xuất khẩu
hóa chất Bảng chuyển Bộ Công Thương xử lý để thực hiện khai báo quốc gia với Tổ
chức Cấm vũ khí hóa học;
b) Bộ Quốc phòng, Bộ Công an thực
hiện việc thanh tra, kiểm tra các hoạt động liên quan đến Công ước Cấm vũ khí
hóa học trong các đơn vị thuộc lực lượng vũ trang; phối hợp với Bộ Công Thương
trong việc tổ chức thực hiện Công ước Cấm vũ khí hóa học;
c) Bộ Y tế quản lý việc sử dụng hóa
chất Bảng 1 tại các cơ sở nghiên cứu y tế hoặc dược phẩm, có trách nhiệm tổng
hợp tình hình quản lý sử dụng hóa chất Bảng 1 gửi Bộ Công Thương để thực hiện
khai báo quốc gia với Tổ chức Cấm vũ khí hóa học;
d) Bộ Ngoại giao phối hợp với Bộ Công
Thương, Bộ Công an trong việc thực hiện các cam kết của Việt Nam về thực hiện
Công ước Cấm vũ khí hóa học và hợp tác quốc tế theo quy định của Công ước; có
trách nhiệm cấp thị thực nhập cảnh nhiều lần hoặc thẻ tạm trú có thời hạn đến
02 năm cho thanh sát viên và trợ lý thanh sát của Tổ chức Cấm vũ khí hóa học,
đồng thời thông báo cho Tổ chức Cấm vũ khí hóa học danh sách các thanh sát viên
và trợ lý thanh sát mà Việt Nam đã cấp thị thực.
Điều 11. Thanh
tra, kiểm tra
1. Cơ quan Quốc gia Việt Nam có trách
nhiệm phối hợp với các Bộ, ngành và các cơ quan có liên quan thực hiện việc
thanh tra, kiểm tra các hoạt động liên quan đến hóa chất bị kiểm soát bởi Công
ước Cấm vũ khí hóa học.
2. Thanh tra, kiểm tra thực hiện theo
quy định hiện hành của pháp luật. Thanh tra, kiểm tra đột xuất dựa trên những
căn cứ sau đây:
a) Thông qua công tác quản lý của
mình, cơ quan có thẩm quyền phát hiện các thông tin, tài liệu có dấu hiệu vi
phạm các quy định của Công ước Cấm vũ khí hóa học, quy định của Nghị định này
và quy định của pháp luật có liên quan;
b) Có tin báo, tố giác về các hoạt
động vi phạm;
c) Theo yêu cầu của Cơ quan Quốc gia
Việt Nam hoặc của Tổ chức Cấm vũ khí hóa học.
Điều 12. Bảo mật
thông tin
1. Mọi thành viên của Cơ quan Quốc
gia Việt Nam có trách nhiệm bảo vệ các thông tin mật trong khi thi hành nhiệm
vụ theo quy định của Công ước Cấm vũ khí hóa học và quy định về bảo vệ bí mật
nhà nước.
2. Cơ quan Quốc gia Việt Nam khi trao
đổi, cung cấp thông tin, tài liệu, vật mang bí mật nhà nước cho Tổ chức Cấm vũ
khí hóa học phải tuân thủ quy định của pháp luật về bảo vệ bí mật nhà nước
trong quan hệ, tiếp xúc với tổ chức, cá nhân nước ngoài.
3. Thông tin bảo mật của các cơ sở
hóa chất chỉ được trao đổi, tiết lộ với những người có trách nhiệm để thực hiện
nghĩa vụ Công ước Cấm vũ khí hóa học và trong trường hợp khẩn cấp có liên quan
đến an toàn cộng đồng.
Điều 13. Thông
báo thay đổi tên hóa chất chống bạo loạn
1. Trường hợp thay đổi hóa chất được
sử dụng làm chất chống bạo loạn thì cơ quan nhà nước liên quan đến việc quản
lý, sử dụng chất chống bạo loạn phải thông báo với Cơ quan Quốc gia Việt Nam về
hóa chất được thay thế, gồm: Tên hóa chất (tên gọi theo IUPAC, tên thương mại
hay tên gọi thông thường); công thức hóa học và số CAS. Thông báo này phải gửi
đến Cơ quan Quốc gia Việt Nam trước 30 ngày, kể từ ngày hóa chất chính thức
được sử dụng làm chất chống bạo loạn.
2. Cơ quan Quốc gia Việt Nam có trách
nhiệm thông báo với Tổ chức Cấm vũ khí hóa học các nội dung quy định tại Khoản
1 Điều này.
Điều 14. Thông
báo hàng năm về chương trình phòng vệ, đóng góp tự nguyện
Cơ quan Quốc gia Việt Nam có trách
nhiệm phối hợp với các cơ quan nhà nước có liên quan trong việc lập báo cáo
hàng năm về chương trình phòng vệ và đóng góp tự nguyện của Việt Nam trình Thủ
tướng Chính phủ phê duyệt, thông báo với Tổ chức Cấm vũ khí hóa học.
Chương 2.
HÓA CHẤT THUỘC
DIỆN KIỂM SOÁT CỦA CÔNG ƯỚC CẤM VŨ KHÍ HÓA HỌC
Mục 1: HÓA CHẤT
BẢNG 1, HÓA CHẤT BẢNG 2, HÓA CHẤT BẢNG 3
Điều 15. Điều
kiện sản xuất hóa chất Bảng 1
1. Tổ chức, cá nhân không được phép
sản xuất hóa chất Bảng 1, trừ trường hợp đặc biệt để phục vụ mục đích nghiên
cứu khoa học, bảo đảm quốc phòng, an ninh, phòng, chống dịch bệnh thì việc sản
xuất hóa chất Bảng 1 phải đáp ứng các điều kiện sau:
a) Có Giấy chứng nhận đăng ký doanh
nghiệp hoặc Giấy chứng nhận đầu tư hoặc Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh,
trong đó có ngành nghề về hóa chất do cơ quan có thẩm quyền cấp;
b) Có văn bản cam kết sản xuất hóa
chất Bảng 1 không vi phạm các nội dung quy định tại Điểm b Khoản 1 Điều 8 Nghị
định này;
c) Địa điểm, diện tích, nhà xưởng,
máy móc, thiết bị, quy trình công nghệ và kho chứa phù hợp để sản xuất hóa chất
Bảng 1 đạt tiêu chuẩn chất lượng;
d) Có phòng thử nghiệm, phân tích
hoặc có thỏa thuận với tổ chức thử nghiệm được chỉ định hoặc công nhận và đã
đăng ký lĩnh vực hoạt động thử nghiệm theo quy định của pháp luật về chất lượng
sản phẩm, hàng hóa để quản lý chất lượng;
đ) Có hệ thống xử lý chất thải bảo
đảm xử lý chất thải đạt tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường;
e) Có phương tiện vận chuyển hóa chất
từ cơ sở sản xuất đến nơi giao hàng phù hợp với loại hóa chất mà cơ sở sản
xuất. Trường hợp không có phương tiện vận chuyển thì phải có hợp đồng với cơ sở
có đủ năng lực thực hiện việc vận chuyển hóa chất;
g) Có đủ các điều kiện về phòng,
chống cháy nổ, bảo vệ môi trường, an toàn và vệ sinh lao động theo quy định của
pháp luật có liên quan;
h) Giám đốc hoặc Phó Giám đốc kỹ
thuật của cơ sở sản xuất hóa chất Bảng 1 phải có trình độ từ đại học trở lên về
chuyên ngành hóa chất. Đội ngũ quản lý, kỹ thuật, điều hành cơ sở hóa chất Bảng
phải có trình độ chuyên môn về hóa chất;
i) Người lao động trực tiếp tiếp xúc
với hóa chất của cơ sở hóa chất Bảng 1 phải được đào tạo, huấn luyện về an toàn
hóa chất.
2. Tổ chức, cá nhân sản xuất hóa chất
Bảng 1 đáp ứng các điều kiện quy định tại Khoản 1 Điều này sẽ được Thủ tướng
Chính phủ cho phép.
3. Hồ sơ, thủ tục, thời gian cho phép
sản xuất hóa chất Bảng 1 thực hiện theo quy định tại Điều 17 Nghị định này.
4. Bộ trưởng Bộ Công Thương hướng dẫn
thực hiện các điều kiện sản xuất hóa chất Bảng 1 quy định tại Điểm c, d, đ, e,
g, h, i Khoản 1 Điều này.
Điều 16. Điều
kiện sản xuất hóa chất Bảng 2, hóa chất Bảng 3
1. Tổ chức, cá nhân sản xuất hóa chất
Bảng 2, hóa chất Bảng 3 phải đáp ứng các điều kiện sau:
a) Có Giấy chứng nhận đăng ký doanh
nghiệp hoặc Giấy chứng nhận đầu tư hoặc Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh,
trong đó có ngành nghề về hóa chất do cơ quan có thẩm quyền cấp;
b) Có văn bản cam kết sản xuất hóa
chất Bảng 2, hóa chất Bảng 3 không vi phạm các nội dung quy định tại Điểm c, d
Khoản 1 Điều 8 Nghị định này;
c) Đáp ứng yêu cầu về cơ sở vật chất
- kỹ thuật quy định tại Điểm c, d, đ, e, g Khoản 1 Điều 15 Nghị định này;
d) Đáp ứng yêu cầu về nhân lực quy
định tại Điểm h, i Khoản 1 Điều 15 Nghị định này.
2. Tổ chức, cá nhân sản xuất hóa chất
Bảng 2, hóa chất Bảng 3 đáp ứng các điều kiện quy định tại Khoản 1 Điều này sẽ
được Bộ Công Thương cấp Giấy phép.
3. Hồ sơ, thủ tục, thời gian cấp phép
sản xuất hóa chất Bảng 2, hóa chất Bảng 3 thực hiện theo quy định tại Điều 17
Nghị định này.
Điều 17. Hồ sơ,
thủ tục, thời gian cấp phép sản xuất hóa chất Bảng 1, hóa chất Bảng 2, hóa chất
Bảng 3
1. Hồ sơ
a) Đơn đề nghị cấp Giấy phép sản xuất
của tổ chức, cá nhân theo mẫu quy định;
b) Bản sao Giấy chứng nhận đăng ký
doanh nghiệp hoặc Giấy chứng nhận đầu tư hoặc Giấy chứng nhận đăng ký kinh
doanh;
c) Bản cam kết sản xuất hóa chất Bảng
1, hóa chất Bảng 2, hóa chất Bảng 3 theo quy định tại Điểm b Khoản 1 Điều 15;
Điểm b Khoản 1 Điều 16 Nghị định này;
d) Giấy tờ, tài liệu đáp ứng các điều
kiện quy định tại Điểm c, d, đ, e, g, h, i Khoản 1 Điều 15 Nghị định này.
2. Thủ tục cấp Giấy phép
a) Tổ chức, cá nhân sản xuất hóa chất
Bảng 1, hóa chất Bảng 2, hóa chất Bảng 3 lập 1 (một) bộ hồ sơ gửi Bộ Công
Thương qua đường bưu điện hoặc gửi trực tiếp;
b) Trong thời gian không quá 03 (ba)
ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ, Bộ Công Thương phải thông báo cho tổ
chức, cá nhân về tính đầy đủ và hợp lệ của hồ sơ và yêu cầu tổ chức, cá nhân
hoàn chỉnh hồ sơ một lần duy nhất. Thời gian thông báo và thời gian hoàn chỉnh
hồ sơ không được tính vào thời gian cấp Giấy phép sản xuất quy định tại Khoản 3
Điều này.
3. Thời gian cấp Giấy phép
a) Thời gian cấp Giấy phép sản xuất
hóa chất Bảng 1 không quá 10 (mười) ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp
lệ. Bộ Công Thương có trách nhiệm xem xét, thẩm định và trình Thủ tướng Chính
phủ cho phép. Trường hợp không cho phép, Thủ tướng Chính phủ ủy quyền Bộ Công
Thương có văn bản trả lời và nêu rõ lý do;
b) Thời gian cấp Giấy phép sản xuất
hóa chất Bảng 2, hóa chất Bảng 3 không quá 10 (mười) ngày, kể từ ngày nhận đủ
hồ sơ hợp lệ, Bộ Công Thương có trách nhiệm thẩm định hồ sơ và cấp Giấy phép,
Trường hợp không cấp Giấy phép, Bộ Công Thương phải có văn bản trả lời và nêu
rõ lý do.
4. Nội dung của Giấy sản xuất
a) Tên, địa chỉ trụ sở chính của cơ
sở sản xuất hóa chất Bảng;
b) Địa điểm sản xuất;
c) Thông tin về hóa chất (Tên hóa
chất; mã số CAS; công thức hóa học; hàm lượng, nồng độ);
d) Mục đích sản xuất;
đ) Nghĩa vụ của cơ sở được cấp Giấy
phép.
5. Cấp lại, điều chỉnh Giấy phép sản
xuất
a) Giấy phép được cấp lại trong
trường hợp bị mất, sai sót hoặc hư hỏng;
b) Giấy phép được điều chỉnh trong
trường hợp: Thay đổi về đăng ký kinh doanh, địa điểm, điều kiện hoạt động hoặc
thông tin liên quan đến tổ chức, cá nhân đăng ký; thay đổi về công suất sản
xuất, về hóa chất sản xuất;
c) Hồ sơ đề nghị cấp lại, điều chỉnh
Giấy phép sản xuất, gồm: Đơn đề nghị cấp lại hoặc điều chỉnh Giấy phép sản xuất
(nêu rõ lý do) theo mẫu quy định; giấy tờ, tài liệu chứng minh nội dung thay
đổi (áp dụng đối với trường hợp điều chỉnh Giấy phép); Giấy phép sản xuất (trừ
trường hợp Giấy phép bị mất hoặc bị thất lạc);
d) Trong thời hạn 07 (bảy) ngày làm
việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ quy định tại Điểm c Khoản này, cơ quan có
thẩm quyền cấp phép có trách nhiệm thẩm định hồ sơ và cấp lại hoặc điều chỉnh
Giấy phép sản xuất cho tổ chức, cá nhân đủ điều kiện theo mẫu quy định. Trường
hợp không cấp lại, cơ quan có thẩm quyền cấp phép phải có văn bản trả lời và
nêu rõ lý do.
6. Bộ trưởng Bộ Công Thương quy định
cụ thể mẫu đơn, mẫu Giấy phép, mẫu Giấy phép cấp lại hoặc điều chỉnh, giấy tờ,
tài liệu đáp ứng các điều kiện sản xuất hóa chất Bảng 1, hóa chất Bảng 2, hóa
chất Bảng 3 quy định tại Điều này.
Điều 18. Khai
báo sản xuất, kinh doanh, chế biến, tiêu dùng, tàng trữ hóa chất Bảng 1, hóa
chất Bảng 2, hóa chất Bảng 3
1. Khai báo sản xuất, kinh doanh, chế
biến, tiêu dùng, tàng trữ hóa chất Bảng 1
Tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh
doanh, chế biến, tiêu dùng, tàng trữ hóa chất Bảng 1 phải thực hiện khai báo
với Bộ Công Thương theo mẫu quy định. Thời gian khai báo cụ thể như sau:
a) Chậm nhất 210 ngày trước khi cơ sở
đi vào hoạt động, tổ chức, cá nhân nộp khai báo ban đầu về cơ sở hóa chất Bảng
1;
b) Trước ngày 28 tháng 02 hàng năm,
tổ chức, cá nhân nộp khai báo về các hoạt động có trong năm trước tại cơ sở hóa
chất Bảng 1;
c) Trước ngày 31 tháng 8 hàng năm, tổ
chức, cá nhân nộp khai báo về các hoạt động dự kiến trong năm tiếp theo của cơ
sở hóa chất Bảng 1;
d) Chậm nhất 210 ngày trước khi thực
hiện việc bổ sung, điều chỉnh hoặc thay đổi hoạt động tại cơ sở hóa chất Bảng 1
hiện có, tổ chức, cá nhân nộp khai báo.
2. Khai báo sản xuất, kinh doanh, chế
biến, tiêu dùng, tàng trữ hóa chất Bảng 2, hóa chất Bảng 3
Tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh
doanh, chế biến, tiêu dùng, tàng trữ hóa chất Bảng 2, hóa chất Bảng 3 phải khai
báo với Bộ Công Thương theo mẫu quy định khi cơ sở có sản lượng bằng hoặc vượt
ngưỡng sau đây:
a) Sản xuất, chế biến, tiêu dùng,
tàng trữ hóa chất Bảng 2, hóa chất Bảng 3: 01 kg/năm đối với một hóa chất 2A*;
100 kg/năm đối với một hóa chất 2A; 01 tấn/năm đối với một hóa chất 2B; từ 30
tấn/năm trở lên đối với hóa chất Bảng 3;
b) Kinh doanh hóa chất Bảng 2, hóa
chất Bảng 3: Nồng độ từ 1% trở lên đối với hóa chất Bảng 2A* và 2A; nồng độ từ
30% trở lên đối với hóa chất Bảng 2B; nồng độ từ 30% trở lên đối với hóa chất
Bảng 3.
3. Thời gian nộp khai báo cho Bộ Công
Thương đối với các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh, chế biến, tiêu dùng,
tàng trữ hóa chất Bảng 2, hóa chất Bảng 3
a) Chậm nhất 60 ngày đối với hóa chất
Bảng 2 và 30 ngày đối với hóa chất Bảng 3 trước khi cơ sở đi vào hoạt động;
b) Trước ngày 28 tháng 02 hàng năm,
tổ chức, cá nhân phải nộp khai báo về các hoạt động có trong năm trước;
c) Trước ngày 30 tháng 9 hàng năm, tổ
chức, cá nhân phải nộp khai báo về các hoạt động dự kiến trong năm tiếp theo;
d) Chậm nhất 30 ngày trước khi thực
hiện việc bổ sung, điều chỉnh hoặc thay đổi hoạt động tại cơ sở hóa chất hiện
có, tổ chức, cá nhân phải nộp khai báo bổ sung.
4. Bộ trưởng Bộ Công Thương quy định
cụ thể mẫu khai báo sản xuất, kinh doanh, chế biến, tiêu dùng, tàng trữ hóa
chất Bảng 1, hóa chất Bảng 2, hóa chất Bảng 3 tại Điều này.
Điều 19. Xuất
khẩu, nhập khẩu hóa chất Bảng 1, hóa chất Bảng 2, hóa chất Bảng 3
1. Yêu cầu đối với tổ chức, cá nhân
xuất khẩu, nhập khẩu
a) Có Giấy chứng nhận đăng ký doanh
nghiệp hoặc Giấy chứng nhận đầu tư hoặc Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh,
trong đó có ngành nghề về hóa chất do cơ quan có thẩm quyền cấp;
b) Được Thủ tướng Chính phủ cho phép
xuất khẩu hoặc nhập khẩu hóa chất Bảng 1;
c) Được Bộ Công Thương cấp Giấy phép
xuất khẩu hoặc Giấy phép nhập khẩu hóa chất Bảng 2, hóa chất Bảng 3.
2. Hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép
a) Công văn đề nghị cấp phép theo mẫu
quy định;
b) Bản sao Giấy chứng nhận đăng ký
doanh nghiệp hoặc Giấy chứng nhận đầu tư hoặc Giấy chứng nhận đăng ký kinh
doanh, trong đó có ngành nghề về hóa chất do cơ quan có thẩm quyền cấp;
c) Hợp đồng hoặc thỏa thuận mua bán
hóa chất Bảng 1, hóa chất Bảng 2, hóa chất Bảng 3 với các tổ chức là thành viên
của Tổ chức Cấm vũ khí hóa học.
3. Thủ tục cấp Giấy phép
a) Tổ chức, cá nhân xuất khẩu, nhập
khẩu hóa chất Bảng 1, hóa chất Bảng 2, hóa chất Bảng 3 lập 1 (một) bộ hồ sơ gửi
Bộ Công Thương qua đường bưu điện hoặc gửi trực tiếp;
b) Trong thời gian không quá 03 (ba)
ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ, Bộ Công Thương phải thông báo cho tổ
chức, cá nhân về tính đầy đủ và hợp lệ của hồ sơ và yêu cầu tổ chức, cá nhân
hoàn chỉnh hồ sơ một lần duy nhất. Thời gian thông báo và thời gian hoàn chỉnh
hồ sơ không được tính vào thời gian cấp Giấy phép xuất khẩu hoặc Giấy phép nhập
khẩu quy định tại Điểm a, b Khoản 4 Điều này.
4. Thời gian cấp Giấy phép
a) Thời gian cấp Giấy phép xuất khẩu,
nhập khẩu hóa chất Bảng 1 không quá 10 (mười) ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ
hồ sơ hợp lệ, Bộ Công Thương có trách nhiệm xem xét và trình Thủ tướng Chính
phủ cho phép. Trường hợp không cho phép, Thủ tướng Chính phủ ủy quyền Bộ Công
Thương có văn bản trả lời và nêu rõ lý do;
b) Thời gian cấp Giấy phép xuất khẩu,
nhập khẩu hóa chất Bảng 2, hóa chất Bảng 3 không quá 7 (bảy) ngày làm việc, kể
từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Bộ Công Thương có trách nhiệm thẩm định hồ sơ và
cấp Giấy phép. Trường hợp không cấp Giấy phép, Bộ Công Thương phải có văn bản
trả lời và nêu rõ lý do;
c) Trường hợp xuất khẩu, nhập khẩu
hóa chất Bảng 1, hóa chất Bảng 2, hóa chất Bảng 3 cho các mục đích chuyên ngành
(y tế, dược phẩm, nông nghiệp, bảo vệ), khi cần thiết Bộ Công Thương lấy ý kiến
bằng văn bản của Bộ quản lý nhà nước chuyên ngành trước khi cấp phép. Thời gian
lấy ý kiến không tính vào thời gian cấp phép quy định tại Điểm a, b Khoản này.
5. Nội dung của Giấy phép
a) Tên, địa chỉ, trụ sở chính của cơ
sở hóa chất Bảng;
b) Thông tin về hóa chất (Tên hóa
chất; mã số CAS; mã số HS; công thức hóa học; hàm lượng, nồng độ);
c) Khối lượng xuất khẩu, nhập khẩu;
d) Mục đích xuất khẩu, nhập khẩu;
đ) Tên nước xuất khẩu, nhập khẩu;
e) Tên cửa khẩu xuất, cửa khẩu nhập;
g) Thời hạn thực hiện xuất khẩu, nhập
khẩu;
h) Nghĩa vụ của cơ sở được cấp phép.
6. Giấy phép xuất khẩu, nhập khẩu hóa
chất Bảng 1, hóa chất Bảng 2, hóa chất Bảng 3 chỉ cấp một lần cho một hợp đồng
trong thời gian tối đa 12 tháng và không được gia hạn. Giấy phép đã cấp không
được chuyển nhượng cho tổ chức, cá nhân khác.
7. Tổ chức, cá nhân đã được cấp Giấy
phép nhập khẩu hóa chất Bảng 1, hóa chất Bảng 2, hóa chất Bảng 3 không phải
thực hiện các quy định về cấp Giấy Xác nhận khai báo hóa chất thuộc Danh mục
hóa chất phải khai báo theo quy định của Luật Hóa chất và các văn bản hướng dẫn
thi hành luật.
8. Tổ chức, cá nhân được phép xuất
khẩu, nhập khẩu hóa chất Bảng 1, hóa chất Bảng 2, hóa chất Bảng 3 phải nộp Bộ
Công Thương các tài liệu sau để làm thủ tục thông báo với Tổ chức Cấm vũ khí
hóa học:
a) Hóa chất Bảng 1: Chậm nhất 45 ngày
trước khi thực hiện việc xuất khẩu hoặc nhập khẩu, nộp thông báo về xuất khẩu
hoặc nhập khẩu hóa chất Bảng 1; trước ngày 31 tháng 01 hàng năm, nộp khai báo
về xuất khẩu, nhập khẩu và phân phối trong nước đối với từng hóa chất Bảng 1
trong năm trước theo mẫu quy định;
b) Hóa chất Bảng 2: Trước ngày 28
tháng 02 hàng năm, nộp khai báo bao gồm cả hỗn hợp chứa hóa chất 2A* và 2A có
nồng độ từ 1% trở lên và hóa chất 2B có nồng độ từ 30% trở lên theo mẫu quy
định;
c) Hóa chất Bảng 3: Trước ngày 28
tháng 02 hàng năm, nộp khai báo bao gồm cả hỗn hợp chứa hóa chất Bảng 3 có nồng
độ từ 30% trở lên theo mẫu quy định.
9. Trường hợp việc xuất khẩu hóa chất
Bảng 3 được thực hiện với tổ chức hoặc cá nhân của nước không phải là quốc gia
thành viên của Công ước Cấm vũ khí hóa học, phải có giấy chứng nhận sử dụng
cuối cùng của cơ quan có thẩm quyền của quốc gia này. Giấy chứng nhận sử dụng
cuối cùng được đính kèm trong hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép xuất khẩu.
10. Khi được yêu cầu, tổ chức, cá
nhân có hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu hóa chất Bảng 1, hóa chất Bảng 2, hóa
chất Bảng 3 phải chấp hành việc kiểm chứng số liệu xuất khẩu, nhập khẩu do Tổ
chức Cấm vũ khí hóa học hoặc Bộ Công Thương phối hợp cùng Cơ quan quốc gia Việt
Nam tiến hành.
11. Bộ trưởng Bộ Công Thương quy định
cụ thể mẫu công văn đề nghị cấp phép; mẫu Giấy phép xuất nhập khẩu hóa chất
Bảng, mẫu thông báo, khai báo hóa chất Bảng 1, hóa chất Bảng 2, hóa chất Bảng 3
quy định tại Điều này.
Mục 2: SẢN XUẤT,
KHAI BÁO HÓA CHẤT DOC, DOC-PSF
Điều 20. Sản
xuất hóa chất DOC, DOC-PSF
1. Điều kiện sản xuất hóa chất DOC,
DOC-PSF
a) Có Giấy chứng nhận đăng ký doanh
nghiệp hoặc Giấy chứng nhận đầu tư hoặc Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh,
trong đó có ngành nghề về hóa chất do cơ quan có thẩm quyền cấp;
b) Có văn bản cam kết sản xuất hóa
chất DOC, DOC-PSF không vi phạm các nội dung quy định tại Điểm đ Khoản 1 Điểu 8
Nghị định này;
c) Đáp ứng yêu cầu về cơ sở vật chất
- kỹ thuật quy định tại Điểm c, d, đ, e, g Khoản 1 Điều 15 Nghị định này;
d) Đáp ứng yêu cầu về nhân lực quy
định tại Điểm h, i Khoản 1 Điều 15 Nghị định này.
2. Tổ chức, cá nhân sản xuất hóa chất
DOC, DOC-PSF đáp ứng các điều kiện quy định tại Khoản 1 Điều này được Bộ Công
Thương cấp Giấy phép.
3. Hồ sơ, thủ tục, thời gian cấp phép
thực hiện như quy định đối với hóa chất Bảng 2, hóa chất Bảng 3 tại Điều 17
Nghị định này.
Điều 21. Khai
báo cơ sở hóa chất DOC, DOC-PSF
1. Tổ chức, cá nhân với sản lượng hóa
chất DOC từ 200 tấn/năm trở lên và với sản lượng hóa chất DOC-PSF từ 30 tấn/năm
trở lên phải nộp Bộ Công Thương các tài liệu sau:
a) Chậm nhất là 30 ngày trước khi cơ
sở đi vào hoạt động nộp khai báo ban đầu về cơ sở hóa chất DOC, DOC-PSF theo
mẫu quy định;
b) Trước ngày 28 tháng 01 hàng năm
nộp khai báo về các hoạt động có trong năm trước tại cơ sở hóa chất DOC,
DOC-PSF theo mẫu quy định;
c) Chậm nhất 30 ngày trước khi thực
hiện việc bổ sung, điều chỉnh hoặc thay đổi sản xuất tại cơ sở hóa chất DOC,
DOC-PSF hiện có nộp khai báo bổ sung về cơ sở hóa chất DOC, DOC-PSF theo mẫu
quy định.
2. Bộ trưởng Bộ Công Thương quy định
cụ thể mẫu khai báo cơ sở hóa chất DOC, DOC-PSF.
Chương 3.
THANH SÁT CƠ SỞ
HÓA CHẤT
Điều 22. Đối
tượng thanh sát
1. Các cơ sở hóa chất Bảng 1 là đối
tượng thanh sát ban đầu và thanh sát có hệ thống của Tổ chức Cấm vũ khí hóa học
theo một thỏa thuận cơ sở tương ứng.
2. Các cơ sở hóa chất Bảng 2 là đối
tượng thanh sát ban đầu và thanh sát có hệ thống của Tổ chức Cấm vũ khí hóa học
nếu có sản lượng bằng hoặc vượt ngưỡng sau:
a) 10 kg/năm đối với một hóa chất 2A*;
b) 01 tấn/năm đối với một hóa chất 2A;
c) 10 tấn/năm đối với một hóa chất 2B.
3. Các cơ sở hóa chất Bảng 3 có sản lượng từ 200
tấn/năm trở lên là đối tượng thanh sát ban đầu và thanh sát lại của Tổ chức Cấm
vũ khí hóa học.
4. Các cơ sở sản xuất hóa chất DOC, DOC-PSF có sản
lượng trên 200 tấn/năm là đối tượng thanh sát ban đầu và thanh sát lại của Tổ
chức Cấm vũ khí hóa học.
5. Tổ chức Cấm vũ khí hóa học có thể tiến hành
thanh sát đột xuất tại bất kỳ cơ sở hóa chất Bảng 1, hóa chất Bảng 2, hóa chất
Bảng 3 và cơ sở hóa chất DOC, DOC-PSF khi có cáo buộc về việc vi phạm Công ước
Cấm vũ khí hóa học.
Điều 23. Trách nhiệm của cơ sở
bị thanh sát
1. Chấp hành đầy đủ các quy định về thanh sát của
Tổ chức Cấm vũ khí hóa học; tuân thủ hướng dẫn của đội hộ tống trong quá trình
tiến hành thanh sát tại cơ sở; hợp tác và tạo điều kiện thuận lợi để Đội Thanh
sát của Tổ chức Cấm vũ khí hóa học hoàn thành nhiệm vụ quy định trong lệnh
thanh sát.
2. Bố trí phòng làm việc, tủ tài liệu có khóa, điện
thoại cố định nối mạng quốc tế, máy fax và máy hủy tài liệu cho Đội Thanh sát.
3. Bố trí cán bộ có thẩm quyền và am hiểu về hoạt
động của cơ sở hóa chất Bảng như: Quản lý, kỹ thuật công nghệ, kinh doanh, tài
chính, môi trường, an toàn lao động để làm việc với Đội Thanh sát.
4. Chuẩn bị đầy đủ các hồ sơ, tài liệu, sơ đồ, bản
vẽ, sổ sách cần thiết để làm việc với Đội thanh sát.
5. Giúp Đội Thanh sát lấy mẫu khi được yêu cầu.
6. Các chi phí sử dụng được Ban Thư ký của Tổ chức
Cấm vũ khí hóa học hoàn trả cho cơ sở khi phía cơ sở yêu cầu.
Điều 24. Yêu cầu thanh sát
1. Đối với cơ sở hóa chất Bảng 1
a) Kiểm tra các hoạt động tại cơ sở theo yêu cầu
tại phần VI - Phụ lục Kiểm chứng của Công ước Cấm vũ khí hóa học;
b) Kiểm tra việc thực hiện quy định về khai báo hóa
chất Bảng 1;
c) Đánh giá khả năng gây rủi ro của các hoạt động
hóa chất tại cơ sở.
2. Đối với hóa chất Bảng 2
a) Kiểm tra các hoạt động tại cơ sở theo yêu cầu
tại phần VII - Phụ lục Kiểm chứng của Công ước Cấm vũ khí hóa học;
b) Kiểm tra việc thực hiện quy định về khai báo hóa
chất Bảng 2;
c) Đánh giá khả năng gây rủi ro của các hoạt động
hóa chất tại cơ sở.
3. Đối với hóa chất Bảng 3 và DOC, DOC-PSF
a) Kiểm tra các hoạt động tại cơ sở theo yêu cầu
tại phần VIII - Phụ lục Kiểm chứng của Công ước Cấm vũ khí hóa học;
b) Kiểm tra các hóa chất Bảng được sản xuất tại cơ
sở theo yêu cầu tại phần IX - Phụ lục Kiểm chứng của Công ước Cấm vũ khí hóa
học.
Điều 25. Tiếp đón và làm việc với
Đội Thanh sát của Tổ chức Cấm vũ khí hóa học
Cơ quan Quốc gia Việt Nam có trách nhiệm:
1. Tiếp đón và làm việc với Đội Thanh sát của Tổ
chức Cấm vũ khí hóa học; thực hiện quyền kiểm tra theo Khoản 29 Mục c Phần II -
Phụ lục kiểm chứng của Công ước Cấm vũ khí hóa học để đảm bảo sự phù hợp của số
thiết bị do Đội Thanh sát mang vào Việt Nam.
2. Tạo điều kiện để Đội Thanh sát hoàn thành nhiệm
vụ theo đúng nội dung tại lệnh thanh sát của Tổ chức Cấm vũ khí hóa học.
3. Phối hợp với cơ sở bị thanh sát thực hiện mọi
biện pháp bảo vệ cơ sở, thông tin và số liệu không liên quan đến mục đích và
nội dung thanh sát.
4. Đối với các cơ sở hóa chất Bảng 1, hóa chất Bảng
2: Trong thời gian tiến hành cuộc thanh sát ban đầu, Cơ quan Quốc gia Việt Nam
cùng đại diện cơ sở tổ chức đàm phán với Đội Thanh sát để thống nhất nội dung
của thỏa thuận cơ sở trong đó quy định các chi tiết cho việc thanh sát có hệ
thống tại cơ sở kể từ sau cuộc thanh sát ban đầu.
Điều 26. Thời gian thanh sát
1. Đối với cơ sở hóa chất Bảng 1
a) Thời gian thông báo quyết định thanh sát không
dưới 24 giờ trước khi tới địa điểm nhập cảnh;
b) Thời gian tiến hành thanh sát tại cơ sở phụ
thuộc vào nguy cơ rủi ro đối với các mục tiêu và mục đích của Công ước.
2. Đối với cơ sở hóa chất Bảng 2
a) Thời gian thông báo quyết định thanh sát không
dưới 48 giờ trước khi tới địa điểm bị thanh sát;
b) Thời gian tiến hành thanh sát tại cơ sở là 96
giờ, có thể kéo dài trên cơ sở thỏa thuận riêng cụ thể.
3. Đối với cơ sở hóa chất Bảng 3, hóa chất DOC,
DOC-PSF
a) Thời gian thông báo quyết định thanh sát không
dưới 120 giờ trước khi tới địa điểm bị thanh sát;
b) Thời gian tiến hành thanh sát tại cơ sở là 24
giờ, có thể kéo dài trên cơ sở thỏa thuận riêng cụ thể.
Điều 27. Quy trình thanh sát
1. Phương pháp tiến hành thanh sát
a) Thanh sát bằng trực quan thiết bị sản xuất,
phòng điều khiển, phòng thí nghiệm, kho chứa nguyên liệu và khu vực xử lý chất
thải;
b) Kiểm tra hồ sơ, tài liệu;
c) Thảo luận và phỏng vấn;
d) Lấy mẫu và phân tích nếu cần.
2. Trình tự thanh sát
a) Nghe đại diện cơ sở giới thiệu về cơ sở, gồm các
nội dung: Hoạt động của cơ sở; sơ đồ mặt bằng của nhà máy, phân xưởng là đối
tượng thanh sát; phản ứng hóa học; quy trình công nghệ; cân bằng vật chất,
nguyên liệu của sản xuất; xử lý chất thải; các biện pháp bảo vệ môi trường, đảm
bảo an toàn lao động và bảo vệ sức khỏe;
b) Thăm các hạng mục nằm trong phạm vi cơ sở;
c) Thống nhất kế hoạch và nội dung thanh sát;
d) Kiểm tra khu vực vận hành sản xuất; kiểm tra các
hồ sơ về cung ứng nguyên liệu, sản phẩm và sản xuất; kiểm tra kho hàng, khu vực
xử lý chất thải, khu vực lưu giữ các hóa chất không đạt chỉ tiêu kỹ thuật; tham
quan phòng thí nghiệm (nếu có); kiểm tra tài liệu.
Kiểm tra tài liệu bao gồm những hạng mục: Tài liệu
quy trình công nghệ (sơ đồ tiến trình công nghệ, công suất, sơ đồ công ty, bản
đồ nhà máy); nhật ký vận hành nhà máy, hồ sơ các mẻ; hồ sơ kiểm tra chất lượng,
kể cả các số liệu phân tích; hồ sơ về kho hàng và vận chuyển (cả bên trong lẫn
bên ngoài); các tài liệu về đảm bảo sức khỏe, an toàn và môi trường, gồm Phiếu
an toàn hóa chất (MSDS) của các hóa chất, quy trình vận hành chuẩn (SOP), quy
định an toàn riêng của cơ sở, quy định về giới hạn tiếp xúc với các hóa chất có
trong cơ sở, cảnh báo nguy hại có thể có;
đ) Trong vòng 24 giờ sau khi kết thúc thanh sát,
Đội Thanh sát cùng đại diện của cơ sở và Cơ quan Quốc gia Việt Nam xem xét lại
kết quả thanh sát ban đầu do Đội Thanh sát đưa ra và làm rõ các nội dung còn
nghi ngờ (nếu có). Kết quả ban đầu được thể hiện trong dự thảo Báo cáo sơ bộ về
cuộc thanh sát được ký giữa đại diện của cơ sở và Cơ quan Quốc gia Việt Nam với
Đội trưởng Đội Thanh sát.
3. Đối với cơ sở hóa chất Bảng 1, hóa chất Bảng 2
a) Trong thời gian tiến hành cuộc thanh sát ban đầu
sẽ diễn ra các cuộc đàm phán giữa Đội Thanh sát và Cơ quan Quốc gia Việt Nam
thống nhất về nội dung dự thảo thỏa thuận liên quan đến việc thanh sát tại các
cơ sở để trình Tổ chức Cấm vũ khí hóa học và Chính phủ Việt Nam ký kết;
b) Việc thanh sát lại cơ sở hóa chất Bảng 1, hóa
chất Bảng 2 thực hiện như thanh sát đối với cơ sở hóa chất Bảng 3 và cơ sở hóa
chất DOC, DOC-PSF quy định tại Điểm b Khoản 13 Điều 4 Nghị định này.
4. Thanh sát đột xuất
a) Thanh sát đột xuất nhằm làm sáng tỏ cáo buộc của
một quốc gia thành viên về việc vi phạm quy định Công ước tại một cơ sở hóa
chất thuộc diện kiểm soát của một quốc gia thành viên khác;
b) Thời gian thông báo quyết định thanh sát đột
xuất: Không dưới 12 giờ trước khi tới địa điểm nhập cảnh. Thời gian tiến hành
thanh sát tại cơ sở không quá 84 giờ, trừ khi được kéo dài theo thỏa thuận với
quốc gia bị thanh sát.
Điều 28. Ưu đãi và miễn trừ
1. Trong thời gian thực hiện việc thanh sát tại
Việt Nam, thành viên của Đội thanh sát được hưởng quyền ưu đãi và miễn trừ
ngoại giao theo quy định của Công ước về các đặc quyền ưu đãi và miễn trừ của
Liên hợp quốc năm 1946.
2. Mẫu vật, thiết bị thuộc danh mục thiết bị được
hội nghị các quốc gia thành viên Công ước Cấm vũ khí hóa học phê chuẩn do Đội
Thanh sát mang vào Việt Nam để thực hiện nhiệm vụ thanh sát thì được miễn khai
báo và kiểm tra hải quan; được miễn thuế nhập khẩu, xuất khẩu.
Chương 4.
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 29. Quy định chuyển tiếp
Trong vòng 01 (một) năm kể từ ngày Nghị định này có
hiệu lực thi hành, tổ chức, cá nhân đang sản xuất, kinh doanh, chế biến, tiêu
dùng, tàng trữ, xuất khẩu, nhập khẩu các hóa chất Bảng 1, hóa chất Bảng 2, hóa
chất Bảng 3 và sản xuất hóa chất DOC, DOC-PSF nếu chưa đáp ứng đủ điều kiện
theo quy định tại Nghị định này phải bổ sung đủ điều kiện. Trường hợp tổ chức,
cá nhân không bổ sung đủ điều kiện phải tạm dừng hoạt động cho đến khi đáp ứng
đủ điều kiện.
Điều 30. Hiệu lực thi hành
Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01
tháng 7 năm 2014. Nghị định này thay thế Nghị định số 100/2005/NĐ-CP ngày 03
tháng 8 năm 2005 của Chính phủ về thực hiện Công ước cấm phát triển, sản xuất,
tàng trữ, sử dụng và phá hủy vũ khí hóa học.
Điều 31. Tổ chức thực hiện
1. Bộ trưởng Bộ Công Thương quy định cụ thể và
hướng dẫn thực hiện các điều khoản được giao trong Nghị định này.
Bộ Tài chính phối hợp với Bộ Công Thương trong việc
xây dựng để ban hành theo thẩm quyền hoặc trình các cấp có thẩm quyền ban hành
các quy định và hướng dẫn hải quan liên quan đến việc xuất khẩu, nhập khẩu các
hóa chất Bảng theo quy định của Công ước Cấm vũ khí hóa học.
Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng
cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc
Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này./.
Nơi nhận:
- Ban Bí thư Trung ương Đảng;
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc CP;
- HĐND, UBND các tỉnh, TP trực thuộc TW;
- Văn phòng TW và các Ban của Đảng;
- Văn phòng Tổng Bí thư;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Hội đồng Dân tộc và các UB của Quốc hội;
- Văn phòng Quốc hội;
- Tòa án nhân dân tối cao;
- Viện Kiểm sát nhân dân tối cao;
- Kiểm toán Nhà nước;
- Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia;
- Ngân hàng Chính sách xã hội;
- Ngân hàng Phát triển Việt Nam;
- Ủy ban TW Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;
- Cơ quan Trung ương của các đoàn thể;
- VPCP: BTCN, các PCN, Trợ lý TTCP, TGĐ Cổng TTĐT, các Vụ, Cục, đơn vị trực thuộc,
Công báo;
- Lưu: Văn thư, NC (3b).
|
TM. CHÍNH PHỦ
THỦ TƯỚNG
Nguyễn Tấn Dũng
|
PHỤ LỤC
DANH MỤC HÓA CHẤT BẢNG
(Ban hành kèm theo Nghị định số 38/2014/NĐ-CP ngày
06 tháng 5 năm 2014 của Chính phủ)
HÓA CHẤT BẢNG 1
STT
|
Tên hóa chất
|
Số CAS
|
Mã số HS
|
A
|
Các hóa chất độc
|
|
|
1
|
Các hợp chất O-Alkyl (<C10, gồm cả cycloalkyl)
alkyl
(Me, Et, n-Pr hoặc i-Pr)-phosphonofluoridate,
Ví dụ:
Sarin: O-Isopropylmethylphosphonofluoridate
Soman: O-Pinacolyl methylphosphonofluoridate
|
107-44-8
96-64-0
|
2931.00
2931.00
2931.00
|
2
|
Các hợp chất O-Alkyl (<C10, gồm cả cycloalkyl)
N,N-dialkyl
(Me, Et, n-Pr hoặc i-Pr) - phosphoramidocyanidate
Ví dụ:
|
|
2931.00
|
Tabun: O-Ethyl N,N-dimethyl
phosphoramidocyanidate
|
77-81-6
|
2931.00
|
3
|
Các hợp chất O-Alkyl (H or <C10, gồm cả
cycloalkyl) S-2-dialkyl
(Me, Et, n-Pr hoặc i-Pr)-aminoethyl alkyl
(Me, Et, n-Pr hoặc i-Pr) phosphonothiolate và các
muối alkyl hóa hoặc proton hóa tương ứng.
Ví dụ:
|
|
2930.90
|
VX: O-Ethyl S-2-diisopropylaminoethyl methyl
phosphonothiolate
|
50782-69-9
|
2930.90
|
4
|
Các chất khí gây bỏng chứa Lưu huỳnh (Sulfur
mustards):
|
|
|
ð 2-Chloroethylchloromethylsulfide
ð Khí gây bỏng: Bis(2-chloroethyl)sulfide
ð Bis(2-chloroethylthio) methane
ð Sesquimustard:
1,2-Bis(2-chloroethylthio)ethane
ð 1,3-Bis(2-chloroethylthio)-n-propane
ð 1,4-Bis(2-chloroethylthio)-n-butane
ð 1,5-Bis(2-chloroethylthio)-n-pentane
ð Bis(2-chloroethylthiomethyl)ether
ð Khí gây bỏng chứa Lưu huỳnh và Oxy:
Bis(2-chloroethylthioethyl) ether
|
2625-76-5
505-60-2
63869-13-6
3563-36-8
63905-10-2
142868-93-7
142868-94-8
63918-90-1
63918-89-8
|
2930.90
2930.90
2930.90
2930.90
2930.90
2930.90
2930.90
2930.90
2930.90
|
5
|
Các hợp chất Lewisite (chứa Arsen): Lewisite 1:
2-Chlorovinyldichloroarsine
|
541-25-3
|
2931.00
|
Lewisite 2: Bis(2-chlorovinyl)chloroarsine
Lewisite 3: Tris(2-chlorovinyl)arsine
|
40334-69-8
40334-70-1
|
2931.00
2931.00
|
6
|
Hơi cay Nitơ (Nitrogen mustards): HN1:
Bis(2-chloroethyl)ethylamine
|
538-07-8
|
2921.19
|
HN2: Bis(2-chloroethyl)methylamine
HN3: Tris(2-chloroethyl)amine
|
51-75-2
555-77-1
|
2921.19
2921.19
|
7
|
Saxitoxin
|
35523-89-8
|
3002.90
|
8
|
Ricin
|
9009-86-3
|
3002.90
|
B
|
Các tiền chất
|
|
|
1
|
Các hợp chất Alkyl (Me, Et, n-Pr or i-Pr)
phosphonyldifluoride
|
|
|
Ví dụ.DF: Methylphosphonyldifluoride
|
676-99-3
|
2931.00
|
2
|
Các hợp chất O-Alkyl (H or <C10, gồm cả cycloalkyl)
O-2-dialkyl
(Me, Et, n-Pr hoặc i-Pr)-aminoethyl
alkyl (Me, Et, n-Pr hoặc i-Pr) phosphonite và các muối alkyl hóa
hoặc proton hóa tương ứng
Ví dụ:
|
|
2931.00
|
QL: O-Ethyl O-2-diisopropylaminoethyl
methylphosphonite
|
57856-11-8
|
2931.00
|
3
|
Chlorosarin: O-Isopropyl
methylphosphonochloridate
|
1445-76-7
|
2931.00
|
4
|
Chlorosoman: O-Pinacolyl
methylphosphonochloridate
|
7040-57-5
|
2931.00
|
HÓA CHẤT BẢNG 2
STT
|
Tên hóa chất
|
Số CAS
|
Mã số HS
|
A
|
Các hóa chất độc
|
|
|
1
|
Amiton: O,O-Diethyl S-[2-(diethylamino) ethyl] phosphorothiolate
và các muối alkyl hóa hoặc proton hóa tương ứng
|
78-53-5
|
2930.90
|
2
|
PFIB:
1,1,3,3,3-Pentafluoro-2-(trifluoromethyl)-1-propene
|
382-21-8
|
2903.30
|
3
|
BZ: 3-Quinuclidinyl benzilate (*)
|
6581-06-2
|
2933.39
|
B
|
Các tiền chất
|
|
|
1
|
Các hóa chất, trừ các chất đã được liệt kê tại Bảng
1, chứa 1 nguyên tử phospho liên kết với một nhóm methyl, ethyl hoặc propyl
(mạch thẳng hoặc nhánh) nhưng không liên kết thêm với các nguyên tử các bon
khác
|
|
2931.00
|
Ví dụ. Methylphosphonyl dichloride
Dimethyl methylphosphonate
Ngoại trừ Fonofos: O-Ethyl S-phenyl
ethylphosphonothiolothionate
|
676-97-1
756-79-6
944-22-9
|
2931.00
2931.00
2931.00
|
2
|
Các hợp chất N,N-Dialkyl (Me, Et, n-Pr hoặc i-Pr)
phosphoramidic dihalide
|
|
2929.90
|
3
|
Các hợp chất Dialkyl (Me, Et, n-Pr hoặc i-Pr)
N,N-dialkyl
(Me, Et, n-Pr hoặc i-Pr)-phosphoramidate
|
|
2929.90
|
4
|
Arsenic trichloride
|
7784-34-1
|
2812.10
|
5
|
2,2-Diphenyl-2-hydroxyacetic acid
|
76-93-7
|
2918.19
|
6
|
Quinuclidin-3-ol
|
1619-34-7
|
2933.39
|
7
|
Các hợp chất N,N-Dialkyl (Me, Et, n-Pr hoặc i-Pr)
aminoethyl-2-chloride và các muối proton hóa tương ứng
|
|
2921.19
|
8
|
Các hợp chất N,N-Dialkyl (Me, Et, n-Pr hoặc i-Pr)
aminoethane-2-ol và các muối proton hóa tương ứng, ngoại trừ:
|
|
2922.19
|
N,N-Dimethylaminoethanol và các muối proton hóa
tương ứng
N,N-Diethylaminoethanol và các muối proton hóa
tương ứng
|
108-01-0
100-37-8
|
|
9
|
Các hợp chất N,N-Dialkyl (Me, Et, n-Pr or i-Pr) aminoethane-2-thiol
và các muối proton hóa tương ứng
|
|
2930.90
|
10
|
Thiodiglycol: Bis(2-hydroxyethyl) sulfide
|
111-48-8
|
2930.90
|
11
|
Pinacolyl alcohol: 3,3-Dimethylbutan-2-ol
|
464-07-3
|
2905.19
|
HÓA CHẤT BẢNG 3
STT
|
Tên hóa chất
|
Số CAS
|
Mã số HS
|
A
|
Các hóa chất độc
|
|
|
1
|
Phosgene: Carbonyl dichloride
|
75- 44-5
|
2812.10
|
2
|
Cyanogen chloride
|
506- 77- 4
|
2851.00
|
3
|
Hydrogen cyanide
|
74- 90- 8
|
2811.19
|
4
|
Chloropicrin: Trichloronitromethane
|
76- 06- 2
|
2904.90
|
B
|
Các tiền chất
|
|
|
1
|
Phosphorus oxychloride
|
10025- 87- 3
|
2812.10
|
2
|
Phosphorus trichloride
|
7719- 12- 2
|
2812.10
|
3
|
Phosphorus pentachloride
|
10026- 13- 8
|
2812.10
|
4
|
Trimethyl phosphite
|
121- 45- 9
|
2920.90
|
5
|
Triethyl phosphite
|
122- 52- 1
|
2920.90
|
6
|
Dimethyl phosphite
|
868- 85- 9
|
2920.90
|
7
|
Diethyl phosphite
|
762- 04- 9
|
2920.90
|
8
|
Sulfur monochloride
|
10025- 67- 9
|
2812.10
|
9
|
Sulfur dichloride
|
10545- 99- 0
|
2812.10
|
10
|
Thionyl chloride
|
7719- 09- 7
|
2812.10
|
11
|
Ethyldiethanolamine
|
139- 87- 7
|
2922.19
|
12
|
Methyldiethanolamine
|
105- 59- 9
|
2922.19
|
13
|
Triethanolamine
|
102- 71- 6
|
2922.13
|
Ghi chú: Những hóa chất trên là những chất chính (cơ chất), còn các dẫn xuất
của chúng được Tổ chức Công ước liệt kê trong Sổ tay Hóa chất. Đến tháng 12 năm
2002 đã có 894 dẫn xuất đang có ứng dụng thương mại rộng rãi. Thông tin về các
dẫn xuất trên sẽ được Bộ Công Thương cung cấp theo yêu cầu cụ thể.